Có thể nói đất Hà thành Kinh Kỳ văn hiến với bề dày văn hoá hàng nghìn năm đã tạo nên vô số những tinh hoa quy tụ những nét tinh tuý của trời đất ban tặng cho mảnh đất này. Những người con của đất Hà Thành luôn biết áp dụng một cách rất khéo léo những quy luật của thiên nhiên vào trong cuộc sống của họ. Và một trong những nét đặc biệt mà chúng ta không thể không kể đến đó chính là nét văn hoá ẩm thực nơi đây, nét văn hoá không hề bị pha tạp hay ảnh hưởng bởi bất cứ nền văn hoá nào khác, luôn mang trong mình những nét rất riêng không nơi nào có được. Sự cân bằng âm dương ngũ hành, sự tinh tế trong cách phối trộn gia vị cũng như các nguyên liệu luôn được thể hiện rõ nét trong các món ăn của người Hà Nội. Và một trong số các món ăn đặc trưng ở đây không thế không kể đến món Giò Lụa, một món ăn rất đỗi thân quen trong các bữa cơm gia đình cũng như trong các mâm cỗ thịnh soạn của người Việt.
Ở Việt Nam có khá nhiều nơi cũng như làng nghề làm Giò Lụa nhưng có lẽ ngon nhất và nổi tiếng nhất vẫn là Giò Lụa của làng Ước Lễ, Hà Nội - cái nôi sản sinh ra nghề giò chả tại miền Bắc. Làm ra miếng giò không khó nhưng để miếng giò đạt được tiêu chuẩn ngon như giò Ước Lễ thì quả thật hết sức cầu kỳ và tinh tế, quy trình thực hiện cũng hết sức bài bản.
Nghệ nhân Phạm Hồng Chiến, chủ thương hiệu Hồng Chiến chia sẻ thêm: Chiếc Giò Lụa đúng nghĩa, từ khâu chọn thịt, cho đến xay (giã), gói đều phải rất công phu tỉ mỉ. Thịt lợn (heo) phải tươi và dẻo, nghĩa là lợn vừa mổ thịt xong, dùng tay sờ vào thịt hãy còn ấm, mềm dẻo, đỏ hồng, không có độ cứng khô và phải là thịt mông lợn. Muốn có được điều đó, khi cạo lông làm thịt, không nên dội nước sôi nhiều vào con lợn, nếu không sẽ làm cho miếng thịt bị khô mất đi độ dẻo vốn có. Thịt phải được lọc bỏ mỡ, gân, da, chỉ lấy nạc, cắt khúc từng miếng, bỏ vào cối đá, giã bằng chày gỗ lim.
Chày giã phải đều, liên tục không ngừng, khi nào thịt nhuyễn thành một màu phơn phớt hồng nâu, mịn và bóng, dẻo quánh là được. Dùng nước mắm ngon với lượng vừa đủ đổ vào cối, lúc này chỉ dùng chày nhồi cho nước mắm thấm đều.
Ngày nay với sự phát triển của công nghệ máy móc nên khâu giã giò cũng đã được chuyển đổi sang xay máy, thời gian xay nhanh nên tỉ lệ Giò xay ra cũng ít bị bã hơn so với giã tay, mặc dù vậy với sự khéo léo của người xay hương vị của miếng Giò vẫn giữ được nét cổ truyền độc đáo như giã tay thời ngày xưa, anh Chiến cho hay. Khâu cho mắm muối vào Giò khi xay hoặc giã cũng đã thể hiện được cái tâm của con dân Ước Lễ đặt vào từng miếng giò: mắm muối gia vị chỉ được cho vào thịt đang được xay khi mặt thịt được xay đã mịn không bị gợn, cho gia vị vào sớm hay muộn quá sẽ đều ảnh hưởng tới chất lượng của miếng Giò. Sau đó trải lá chuối đã rọc sẵn lên trên cái mẹt, múc Giò sống vào, thường các món Giò Chả gói khoảng 1kg thịt là ngon nhất, gói như đòn bánh tét, dùng lạt chẻ (lấy từ thân cây giang ở miền Bắc) sợi mỏng và to bản buộc chặt. Sau đó dùng hai tay lăn chiếc Giò vừa gói sao cho thật tròn.
Cho Giò vào nồi nước sôi, thời gian luộc các món Giò chả và đặc biệt là Giò Lụa cũng phải được tính toán thật kĩ để Giò vừa chín tới và có vị đậm đà thơm ngon nhất. Luộc đến khi nào nắn Giò thấy cứng, căng là được, vớt ra treo lên cho ráo nước. Cắt lát Giò thấy hơi hồng đỏ còn gọi là luộc lòng đào, nhìn lát Giò thấy ươn ướt nước là đảm bảo kỹ thuật. Mùi lá chuối, quyện với thịt xay kĩ và nước mắm ngon tạo ra hương vị, mùi thơm đặc biệt không lẫn vào đâu được của Giò Lụa. Miếng Giò khi ăn mềm mịn mượt mà như một tấm vải lụa, chính vì lý do đó nên món ăn này mới có tên là Giò Lụa.
Nhà hàng Hồng Chiến tự hào là một trong những địa chỉ ẩm thực lâu đời tại Hà Nội mang đến món Giò Lụa trứ danh của làng quê Ước Lễ. Mỗi dịp Tết đến xuân về hay những dịp lễ quan trọng của người Việt hầu như không thể thiếu được món Giò Lụa. Chính sự tận tâm và cái tài tình của những nghệ nhân làng Ước Lễ đã thổi hồn vào món ăn này, góp phần tạo nên nét giá trị văn hoá ẩm thực nổi tiếng của vùng đất Kinh Kỳ ngàn năm văn hiến.